UBND THỊ XÃ KINH MÔN
TRƯỜNG TIỂU HỌC HIỆP HÒA
BÀI TUYÊN TRUYỀN SÁCH THÁNG 10/2024
Chủ điểm: Chăm ngoan học giỏi
Giới thiệu cuốn sách:“Kể chuyện gương hiếu học” của NXB Văn Học.
1.Thời gian - Địa điểm
Ngày 07 tháng 10 năm 2024.
Tại trường TH Hiệp Hòa
Người tuyên truyền: cán bộ thư viện Nguyễn Thị Hằng
2. Thành phần.
Toàn thể CB, GV, NV nhà trường
Cùng toàn thể các em học sinh trong trường.
3. Nội dung:
Việt Nam ta được mệnh danh là một đất nước có truyền thống hiếu học từ xưa tới nay. Theo cuốn Từ điển Tiếng Việt, (Nxb KHXH, H, 1994) truyền thống hiếu học là thói quen ham thích, coi trọng việc học hành được hình thành lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác.
Biểu hiện của truyền thống hiếu học là tinh thần “ham học hỏi, thích hiểu biết một cách tự nguyện và bền vững…”. Người hiếu học là người có nhu cầu học tập suốt đời. Bởi sự học như “chiếc thang không nấc chót” và cũng như người đi trên con thuyền ngược dòng, chỉ có tiến lên phia trước mà không được phép dừng lại vì đứng lại đồng nghĩa với tụt hậu. Lênin cũng dạy rằng: Hoc! Học nữa! Học mãi! Đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức hôm nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, kiến thức bùng nổ và tăng lên theo cấp số nhân thì việc rèn luyện kỹ năng học một cách chuyên nghiệp càng là một điều bắt buộc. Với ý thức: “Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện” (Học không biết chán, dạy người không biết mỏi), ông bà ta xưa dù nghèo mấy cũng cố cho con đi học kiếm dăm ba chữ để làm người. Lịch sử dân tộc đã từng biết đến rất nhiều tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng như: Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh,… và rất nhiều ông đồ Nghệ - những người đã làm nên cốt cách Hồng Lam… Cùng không ít dòng họ hiếu học trên khắp mọi miền đất nước…
Và để tìm hiểu sâu hơn về những tấm gương hiếu học vĩ đại trong lịch sử của nhân loại Thư viện trường Tiểu học Hiệp Hòa xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến cuốn sách “Kể chuyện gương hiếu học” của NXB Văn Học, xb năm 2014. Cuốn sách dày 199tr, được in trên khổ 13,5 x 20,5 cm. Hình bìa trang trí của cuốn sách là hình ảnh cậu học trò thời xưa ngồi học trên chiếc bàn tre và bên cạnh là cây đèn dầu đã thể hiện được phần nào nội dung của cuốn sách.
Nội dung cuốn sách: Cuốn sách gồm 41 câu chuyện khác nhau kể về gương hiếu học của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nhân loại. Mỗi câu chuyện mang một màu sắc khác nhau cũng đồng nghĩa với việc mỗi nhân vật có một hoàn cảnh học và mục đích học khác nhau, có những mục đích học rất đặc biệt như: “Cát Hồng bán củi mua sách đọc”. Câu chuyện kể về Cát Hồng một người có học thức uyên bác đời Tấn, đồng thời ông cũng là một nhà văn, nhà y dược học xuất sắc. Ông được sinh ra trong một gia đình quan chức giàu có, năm ông 13 tuổi gia đình ông thất thế, cha mất cuộc sống gia đình ông trở nên khốn khó hơn, ông phải đi kiếm củi cùng anh trai đem bán lấy tiền mưu sinh. Chính vì vậy mà ông không có điều kiện học hành, nhưng vì nhớ lời cha dặn trước lúc ra đi nên Cát Hồng bảo anh trai dạy chữ cho ông, vì không có sách vở nên phải lấy cành cây làm bút, nền đất làm giấy. Đoạn trang 14 có viết:
“Một hôm, cậu theo anh lên núi Mao Sơn đốn củi, trong lúc nghỉ ngơi, cậu nài nỉ anh:
- Anh dạy chữ cho em học được không?
Anh cậu đáp:
- Ở đây không có bút mực, về nhà rồi anh dạy.
Cát Hồng thuận tay bể một nhánh cây vẽ xuống đất:
- Cứ dùng cái này viết cũng được mà!”
Chỉ bằng nhành cây và nền đất mà một thời gian sau Cát Hồng đã biết khá nhiều chữ và đọc được ít nhiều sách. Con đường học của Cát Hồng khá vất vả nhưng ông vẫn kiên trì tới cùng, với ông thì việc học không bao giờ là điểm cuối. Sau này ông được triệu tập ra làm quan nhưng ông từ chối vì muốn tiếp tục theo nghiệp luyện đan, ông về núi La Phù Sơn ở ẩn, cũng chính thời gian này ông tìm ra được nhiều dược liệu và phương pháp chữa bệnh chó dại, phương pháp miễn dịch…Ông đã viết tất cả kinh nghiệm chữa bệnh của ông thành tác phẩm “Kim quỹ dược phong” rất giá trị, đến ngày nay còn được nhiều nước trên thế dịch dùng làm tài liệu quý.
Hay câu chuyện: “Hoàng Sầm. Quyết trí học để lấy vợ đẹp”. Chuyện kể về Hoàng Sầm quê ở xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đời đời làm nghề nông. Cha mất sớm, để lại mấy sào ruộng, hai mẹ con sớm hôm làm lụng nuôi nhau. Gần hai mươi tuổi, Sầm vẫn chưa biết chữ. Một hôm có Quan Thượng về làng, ông Sầm phải sung vào chân khiêng kiệu cho tiểu thư. Khi khiêng kiệu, ông nhìn thấy tiểu thư nhan sắc tuyệt vời. Ông về bảo mẹ:
Đoạn trang 112 có viết: “ Về nhà, ông nói với mẹ muốn được lấy cô gái ấy. Mẹ cười và bảo:
- Đừng mơ ước hão huyền.
Ông không nghe, mua một buồng cau, cứ bắt mẹ phải đi dạm hỏi, lại đi theo sau sợ mẹ dối mình.”
Mẹ ông thương con nên đành làm theo lời ông, không ngờ Quan Thượng đồng ý với một điều kiện: “ Nếu anh làm nên sự nghiệp, mới có thể lấy con ta được”
Với quyết tâm lấy vợ đẹp, ông về nhà xin mẹ bán một xào ruộng được 30 quan tiền và ra kinh đô tìm thầy để học. Dốc trí học tập, bốn năm sau ông đỗ khoa thi hương, sau đó năm (1538) ông đỗ Thám Hoa, Quan Thượng cho làm lễ cưới ngay tại sân nhà gái trước sự ngạc nhiên của dân làng khi đó ông mới có 26 tuổi. Về sau ông làm đến chức Tả thị lang bộ lễ, tước Bá.
Người xưa có câu: “ Nên thợ nên thầy vì có học
Có ăn có mặc bởi hay làm”
Như vậy, làm nghề gì cũng cần học. Có học mới tinh thông nghề nghiệp bởi “nghề nào cũng có trạng nguyên” (Từ Hy Thái Hậu).
Và còn rất nhiều những câu chuyện khác như: Nguyễn Hiền, trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước Nam, Lê Thánh Tông, trống dời canh còn đọc sách. Lê Quý Đôn, tài học dọc ngang một thời,….Để tìm hiểu về các câu chuyện còn lại cô xin mời các em học sinh, cùng các thầy cô giáo đón đọc cuốn sách “Kể chuyện gương hiếu học” tại thư viện của nhà trường nhé.
Hy vọng cuốn sách sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho các em, cũng như thấy được khó khăn của các bậc danh nhân xưa và đặc biệt thấy được vai trò, tác dụng của việc học, từ đó trở nên ham học. Học không bao giờ thừa, không có điểm cuối các em ạ. Cuối cùng cô chúc các em chăm ngoan học giỏi để không phụ công thầy cô và bố mẹ mong mỏi.
Hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau!
SĐĐ: 00038
|
Hiệp Hòa, Ngày 04 tháng 10 năm 2024
|
DUYỆT CỦA BGH
PHT Bùi Văn Xứng (đã kí)
|
CÁN BỘ THƯ VIỆN
Nguyễn Thị Hằng
|
Đăng bài ngày 07/ 10/ 2024